Tủy răng và tầm quan trọng của tủy với sức khỏe con người
- Bác sĩ nội trú Đại học Y Hà Nội
- Chứng chỉ niềng răng Invisalign chuẩn Quốc tế
- Chứng chỉ cấy ghép Implant nha khoa
- Tu nghiệp chuyên môn răng hàm mặt Hoa kỳ
- Chuyên gia chỉnh nha chuẩn AIFC
- Thực hiện trên 5000+ ca niềng thành công
Tủy răng được coi như trái tim của răng, chúng có vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu giống như sự quan trọng của trái tim đối với sự sống của con người. Vậy tủy răng là gì và tầm quan trọng của chúng như thế nào, nếu răng không có tủy sẽ ra sao? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tủy răng nhé.
Tủy răng là gì?
Tủy răng là các tổ chức liên kết đặc biệt có cấu trúc rất phức tạp bao gồm các dây thần kinh và mạch máu như động mạch và tĩnh mạch, mao mạch bạch huyết,… nằm ở giữa thân răng. Phần tủy có ở cả thân răng và chân răng hay còn gọi buồng tủy và ống tủy và được bao bọc bởi ngà răng cùng men răng.
Tùy theo từng cá thể, từng độ tuổi và thậm chí ở mỗi răng khác nhau thì cấu trúc của chúng sẽ có cấu trúc khác nhau. Phần tủy đóng vai trò như mạch máu nuôi dưỡng răng, nhận diện cảm xúc và dẫn truyền cảm giác để răng có thể cảm nhận được sự ê buốt, cứng, mềm, nóng, lạnh, đau…của các vật thể tác động lên răng.
Cấu tạo của tủy chân răng
Tủy răng có ở cả 2 bộ phận của răng là chân răng và thân răng. Tủy nằm trong khoang tủy, kéo dài từ thân cho đến chân răng. Ống tủy chân răng bao gồm những nhánh nhỏ và mỏng, chúng phân nhánh từ buồng tủy xuống đến tận chóp chân răng.
Mỗi răng sẽ có khoảng 1-4 ống tủy, chẳng hạn như răng cửa thông thường sẽ có một ống tủy, răng cối nhỏ sẽ có 2 ống tủy, răng cối lớn (răng hàm) thì thường có khoảng 2-4 ống tủy. Khi già đi, tủy sẽ bị canxi hóa và yếu dần không cung cấp đủ dưỡng chất nuôi răng vì vậy răng có thể bị lung lay hoặc mất răng.
Cấu tạo của tủy răng theo hình thức bao gồm 2 bộ phận là buồng tủy và ống tủy chân răng bên trong có chứa các mô tủy có kết cấu lỏng lẻo nhưng có rất nhiều mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh quan trọng.
- Buồng tủy: Đây chính là phần khoang tủy nằm trong thân răng. Xung quanh buồng tủy là ngà – lớp cứng thứ 2 từ ngoài vào sau lớp men.
- Ống tủy chân răng (hay còn gọi là tủy chân răng): Đây là phần khoang chứa tủy nằm tại chân răng. Ống tủy chân răng có kích thước nhỏ, hẹp chạy dọc xung quanh theo chân răng. Ống tủy chân răng ở kẽ hở tại phần đỉnh chân răng để các mạch máu và dây thần kinh kết nối với các cơ quan khác.
Hình dáng và diện tích răng không đồng nhất và sẽ có thể bị canxi hóa khi về già. Mô ở tủy thường chứa 75% nước và 25% còn lại là chất hữu cơ.Tủy có cấu trúc khá phức tạp, thay đổi trên từng răng, từng cá thể và theo từng độ tuổi nhất định.
Chức năng của tủy răng
Tủy răng là một trong những bộ phận đặc biệt quan trọng của răng. Bộ phận này đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như:
- Chức năng nuôi dưỡng, tạo ngà mới: Ngà là cơ quan bao bọc lấy buồng tủy và nằm bên trong lớp men. Tủy có vai trò chính là nuôi dưỡng các nguyên bào ngà, tạo ra ngà và tái tạo ngà đã mất, thoái hóa. Như vậy, nó sẽ giúp duy trì hàm răng chắc khỏe và răng có độ cứng chắc nhất định.
- Chức năng cung cấp dinh dưỡng: Mô tủy chứa hệ thống các mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng và nuôi dưỡng các thành phần “sống” của răng bao gồm cả tủy và ngà răng.
- Chức năng thần kinh vận mạch, dẫn truyền cảm giác: Tủy răng có chứa các dây thần kinh cảm nhận và dẫn truyền cảm giác khi có kích thích tác động lên răng, dây thần kinh cảm giác này đem lại cảm giác ê buốt, cảm nhận về lực va chạm, nóng, lạnh, đau và cảm giác về lực tác động như chấn thương, sâu răng.
- Chức năng bảo vệ miễn dịch: Nó có chức năng tái tạo lớp ngà và có bộ phận cung cấp sự miễn dịch góp phần duy trì sự sống và lành mạnh của răng nhờ có hệ thống mạch bạch huyết với các bạch cầu đơn nhân, tế bào lympho,… có nhiệm vụ gây viêm, bảo vệ cơ thể khi tủy bị vi khuẩn xâm nhập.
Xem thêm: Cao răng là gì? Cách loại bỏ và phòng tránh hiệu quả nhất
Các bệnh liên quan đến tủy răng và cách điều trị
Tủy răng là một bộ phận nhỏ trên cơ thể người nhưng chúng có vai trò vô cùng quan trọng và được coi như trái tim của răng. Mặc dù nằm sâu bên trong buồng tủy và được bảo vệ bởi lớp men và ngà nhưng bộ phận này vẫn có thể bị tổn thương khi có những yếu tố nguy cơ. Các bệnh liên quan đến tủy như:
Viêm tủy răng
Viêm tủy là bệnh thường gặp nhất, tình trạng này xảy ra khi tủy bị viêm, sung huyết bởi sự phá hủy của vi khuẩn (chủ yếu là các loại vi khuẩn tích tụ lâu ngày trong khoang miệng). Viêm tủy có 3 loại là viêm tủy có hồi phục, viêm tủy hoại tử, viêm không hồi phục.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tủy có thể kể đến như:
- Sâu răng: Sâu răng là một trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tủy. Khi bị sâu lâu ngày không được điều trị dẫn đến tình trạng vi khuẩn xâm nhập xuyên qua lớp men và ngà, ăn sâu vào tủy gây viêm nhiễm.
- Viêm nha chu: Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng các bộ phận nâng đỡ răng. Nếu không điều trị, vi khuẩn sẽ đi vào tuần hoàn máu thông qua các mạch máu bên trong tủy kết nối với mô nha chu (nướu, lợi, dây chằng, xương ổ,…) và xâm nhập vào buồng tủy gây nên viêm tủy.
- Răng, sứt mẻ do chấn thương: men răng và ngà răng có vai trò như 2 lớp cũng bảo vệ tủy, khi răng bị sứt mẻ thì tủy răng sẽ bị lộ ra ngoài và các vi khuẩn gây hại có thể xâm nhập trực tiếp vào tủy gây viêm.
- Do sử dụng các thủ thuật nha khoa: Khi khách hàng mắc các bệnh về răng như răng hô, răng sâu,… có sử dụng sự can thiệp của y học nha khoa như trám, mài răng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có sự sai sót sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào trong tủy.
- Do các bệnh nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có tác động từ bên trong thân răng, nướu răng hoặc bên ngoài có thể tạo điều kiện để vi khuẩn tích tụ và sinh sôi trong mạch máu. Khi gặp các yếu tố thuận lợi, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bên trong tủy dẫn đến nhiễm trùng và viêm tủy.
Các biểu hiện nhận biết bệnh viêm tủy:
- Xuất hiện các cơn đau thường nhói và ê buốt trên răng.
- Đau kéo dài khoảng 5-10 phút hoặc đến vài giờ
- Răng có phản ứng ngay lập tức với các thực phẩm lạnh, nóng hoặc ngọt.
- Các tình trạng viêm tủy nặng vào ban đêm, cơn đau sẽ ê buốt và kéo dài lâu hơn rất nhiều.
Các biện pháp chữa viêm tủy:
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị viêm tủy như:
- Với tủy có thể phục hồi (hoại tử 1 phần): Nha sĩ sẽ khuyên dùng biện pháp khoan mở mặt trên răng. Sau đó loại bỏ mô ngà tủy hỏng, làm sạch khoang tủy và chụp tủy bằng MTA hoặc Hydroxit canxi, cuối cùng hàn kín mặt răng bằng Eugenate cứng nhanh GIC.
- Với tủy Không thể phục hồi (tủy hoại tử hoàn toàn): Nha sĩ sẽ điều trị lấy tủy toàn bộ theo chu trình: Khử vô trùng – Làm sạch và tạo hình cho ống tủy – Sử dụng cụ khí nha khoa hàn kín hệ thống ống tủy theo không gian ba chiều.
Răng bị hoại tủy (chết tủy)
Chết tủy là hiện tượng tủy bị phá hủy hư hỏng hoàn toàn, không còn tế bào sống và mất đi toàn bộ các chức năng ban đầu. Tình trạng là biến chứng do viêm tủy ở tình trạng nặng hoặc do chấn thương mạnh gây ra.
Tủy giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của răng. Khi bộ phận này mất đi, răng không còn khả năng cảm nhận, men răng đổi màu, chân răng bị lung lay, chất răng giòn hơn và dễ nứt, mẻ. Tình trạng này nếu không được điều trị sớm còn có thể gây nguy cơ mất răng vĩnh viễn, polyp tủy và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Nguyên nhân tủy bị hoại tử là do:
- Quá trình cung cấp máu cho răng bị gián đoạn do chấn thương đột ngột.
- Tủy bị viêm nhiễm nặng đã đến giai đoạn viêm tủy không thể hồi phục và cũng không thể được chữa trị triệt để.
Cách điều trị:
Bước đầu tiên để điều trị chữa tủy hoại tử cần tiền hành chụp X- quang để đánh giá mức độ viêm nhiễm gây hoại tử. Sau khi chẩn đoán sẽ tiến hành lấy tủy ra khỏi khoang tủy, làm sạch và hàn lại với các loại dung dịch rửa tủy như Chlorhexidine 2%, NaClo 3%, NaCl 0.9…, vật liệu hàn tủy (các chất dán dính, gutta percha…), hoặc bọc sứ.
Tủy bị thoái hóa
Cũng giống như các bộ phận khác trong cơ thể, khi tuổi tác càng tăng, tủy cũng có xu hướng bị thoái hóa và suy yếu dần. Các dấu hiệu thoái hóa khoang tủy biểu hiện qua sự suy giảm về cấu tạo và chức năng sinh lý bao gồm:
- Hiện tượng giảm số lượng mạch máu trong khoang tủy.
- Số lượng bó sợi collagen ở ống tủy chân tăng lên.
- Diện tích và thể tích khoang tủy thu hẹp dần.
- Mật độ nguyên bào sợi ở buồng tùy giảm từ từ và đều đặn.
- Hình thành sạn tủy do sự lắng đọng bất thường của phosphate calcium trong mạch máu.
Cách điều trị:
Đây là hiện tượng tủy suy yếu khi về già nên các chức năng bị suy thoái dần. Bệnh lý này không có phương pháp điều trị dứt điểm do đây là quy luật của tự nhiên. Bạn có thể nhờ sự tư vấn của bác sĩ và lựa chọn tham khảo thêm các loại thuốc bổ để tăng dưỡng chất cho tủy nhằm kéo dài tuổi thọ, tăng cường các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cung cấp cho sự duy trì tủy.
Những điều cần lưu ý để duy trì sự khỏe mạnh cho răng
Với kích thước và thể tích rất nhỏ và có xu hướng thu hẹp khi về già. Tuy nhiên, chúng “nhỏ nhưng lại có võ” nên là một bộ phận không thể thiếu của con người nói chung và răng nói riêng.
Để bảo vệ răng khỏe mạnh và sức khỏe răng miệng bạn nên lưu ý các vấn đề sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, không cắn, nhai thức ăn quá cứng, không ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh (như nước đá, kem…) hoặc quá dai.
- Tránh dùng lực nhai nhiều và mạnh ở răng đã điều trị.
- Đánh răng đúng cách với bàn chải lông mềm hoặc bàn chải điện 2 lần/ ngày tốt nhất là sau ăn từ 20-30 phút với lực chải nhẹ nhàng.
- Sử dụng kem đánh răng có chứa fluor để tăng sức đề kháng cho răng, ngăn ngừa các bệnh cho răng.
- Thường xuyên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, không dùng tăm tránh làm mòn răng đã điều trị.
- Nên đi khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần để phát hiện kịp thời sâu răng và các bệnh về răng miệng.
- Răng sau khi điều trị đã được trám bị đổi màu, thì cần làm mão phục hình sứ.
- Hạn chế sử dụng các đồ uống có cồn như rượu bia, cà phê, trà,…
- Tăng cường các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và omega như thịt, cá, trứng,…
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung các loại vitamin.
- Từ bỏ các thói quen xấu như dùng răng để mở nắp chai, xé vỏ nilon, xé mác quần áo, cắn móng tay, dùng lưỡi đẩy chân răng,…
Tủy răng là một bộ phận có vai trò vô cùng quan trọng của răng. Các bệnh về bộ phận này có thể xảy ra ở tất cả mọi người và bất kỳ độ tuổi nào. Trên đây là các thông tin chi tiết về tủy răng, mong rằng bạn sẽ lưu giữ được các thông tin hữu ích để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho mình.
Đừng bỏ lỡ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!