Cách Vệ Sinh Răng Miệng Cho Bé 1 Tuổi An Toàn Và Hiệu Quả Nhất
- Bác sĩ nội trú Đại học Y Hà Nội
- Chứng chỉ niềng răng Invisalign chuẩn Quốc tế
- Chứng chỉ cấy ghép Implant nha khoa
- Tu nghiệp chuyên môn răng hàm mặt Hoa kỳ
- Chuyên gia chỉnh nha chuẩn AIFC
- Thực hiện trên 5000+ ca niềng thành công
Cách vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi không hề đơn giản, bởi khi này trẻ còn quá nhỏ, rất khó hợp tác với cha mẹ. Đặc biệt, nướu và răng mới hình thành, vô cùng non nớt và dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới việc vệ sinh và chăm sóc răng miệng cho bé, giúp bé có được hàm răng khỏe mạnh, phát triển toàn diện trong tương lai.
Vai trò quan trọng của việc vệ sinh răng miệng cho bé
Răng sữa sẽ bắt đầu mọc khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi và toàn bộ hàm răng sữa hoàn thiện khi lên 3 tuổi. Lúc này bé có khoảng 20 chiếc răng sữa, gồm có 10 răng hàm trên và 10 răng hàm dưới, thông thường các răng hàm dưới sẽ mọc sớm hơn so với các răng hàm trên.
So với răng vĩnh viễn của người lớn thì răng sữa của bé còn khá non nớt, có lớp men và ngà mỏng hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng của trẻ 1 tuổi phải phụ thuộc vào người lớn 100%. Nếu tạo được cho bé thói quen và biết cách vệ sinh răng miệng khoa học, phù hợp sẽ giúp:
- Loại bỏ đi những mảng bám, vi khuẩn gây hại còn sót lại trên lợi hay răng sữa của bé do quá trình bú, ăn uống gây ra.
- Giúp ngăn chặn tình trạng sâu, sún răng cửa vì lớp men và ngà đều yếu hơn với răng vĩnh viễn, trong khi thể tích buồng chứa tủy lại lớn hơn rất nhiều. Do đó mà quá trình sâu răng của bé thường diễn ra nhanh hơn so với bình thường, nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể khiến phần tuỷ răng bị viêm nhiễm.
- Tạo cho bé thói quen lành mạnh ngày từ nhỏ, giúp bé ý thức được vai trò quan trọng của việc vệ sinh răng miệng.
- Nếu bé chưa mọc hết răng sữa, việc vệ sinh răng đúng cách sau mỗi bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ sẽ giúp cho quá trình mọc răng sữa được diễn ra thuận lợi hơn.
- Tránh tình trạng phải nhổ bỏ răng sữa quá sớm, khiến các bé gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống. Ngoài ra nó còn làm ảnh hưởng đến cấu trúc của xương hàm cũng như quá trình mọc của răng vĩnh viễn sau này. Thậm chí sẽ gây khó khăn trong việc phát âm hay chậm nói hơn so với bình thường.
- Các vấn đề về răng miệng có thể khiến bé cảm thấy đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng tới quá trình ăn uống, khiến trẻ biếng ăn, điều này sẽ tác động xấu tới thể trạng và quá trình phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất nhiều cha mẹ còn suy nghĩ sai lầm khi cho rằng, trong những năm tháng đầu đời, trẻ chỉ bú sữa hoặc ăn các món ăn dạng lỏng nên việc vệ sinh răng miệng dường như là không cần thiết. Thực tế, trong sữa vẫn tồn tại những mảng bám được gọi là cặn sữa, tồn đọng lại bên trong khoang miệng và cần được làm sạch.
Xem thêm: Bé bị sún răng phải làm sao? Bật mí cách chữa nhanh hiệu quả nhất
Cách vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi an toàn và khoa học
Cách vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi sẽ có sự khác nhau qua từng giai đoạn phát triển. Dĩ nhiên, mỗi bé sẽ có thời gian phát triển nhanh hoặc chậm khác nhau, vì thế cha mẹ có thể theo dõi và tham khảo cách vệ sinh theo quá trình răng mọc như sau:
Khi chưa mọc răng sữa
Đây là giai đoạn bé được khoảng dưới 5 tháng tuổi, khi này bé cần được vệ sinh răng miệng mỗi ngày 2 lần, vào buổi sáng thức dậy và khi tắm buổi chiều. Ở những tháng đầu đời, bé còn quá nhỏ, răng miệng rất yếu và nhạy cảm. Chính vì vậy cha mẹ nên vệ sinh một cách nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh các thao tác mạnh hoặc chà xát khoang miệng của bé trong thời gian quá lâu.
Tốt nhất, cha mẹ chỉ cần dùng một miếng gạc chuyên dụng dành cho bé hoặc một miếng vải mềm sạch, sau đó nhúng vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý. Dùng gạc này bao quanh ngón tay trỏ và lau nhẹ nhàng khoang miệng của trẻ. Hãy cố gắng duy trì thói quen này mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng cũng như giúp bé không bị sợ việc đánh răng sau này.
Khi bắt đầu mọc răng sữa
Tới giai đoạn răng sữa bắt đầu mọc lên, cha mẹ có thể dùng những loại bàn chải mềm dành cho trẻ (loại gắn vào đầu ngón tay) cùng một chiếc khăn vải mềm để vệ sinh răng miệng cho trẻ. Hãy nhúng bàn chải vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý, hướng bàn chải theo góc 45 độ so với răng và nhẹ nhàng xoay bàn chải theo từng nhóm răng một (khoảng 2 – 3 răng mỗi nhóm).
Nên nhớ chải đủ cả 3 mặt bên trong, bên ngoài và mặt nhai của răng trẻ. Cuối cùng là dùng chiếc khăn mềm đã chuẩn bị để lau sạch răng và nướu. Cha mẹ cũng cần lưu ý không tác động lực quá mạnh, bởi nó có thể gây tổn thương tới răng và nướu. Chỉ cần dùng lực nhẹ nhàng là đã có thể lấy đi các mảng bám, vi khuẩn trong khoang miệng bé.
Ngoài ra, khi vệ sinh răng miệng cho trẻ 1 tuổi chúng ta cũng không cần dùng đến kem đánh răng. Vì ở độ tuổi này, bé chưa thích ứng được hoàn toàn với các chất có trong kem đánh răng. Trong một số trường hợp còn có thể dẫn đến kích ứng, hay việc nuốt phải kem cũng vô cùng nguy hiểm. Mặc dù hiện nay có khá nhiều loại kem đánh răng được sản xuất dành riêng cho trẻ em. Thế nhưng với các bé có hệ đường ruột kém, khi nuốt phải kem đánh răng vẫn dẫn đến nguy cơ nôn trớ, đi ngoài hoặc ám ảnh, sợ kem đánh răng về sau.
Còn đối với trẻ trên 18 tháng tuổi, cha mẹ nên chọn loại kem đánh răng có chứa ít flour và chỉ lấy một lượng nhỏ bằng hạt đậu cho mỗi lần chải răng. Ngoài ra, các loại kem đánh răng dành cho trẻ thường có màu sắc bắt mắt, mùi vị hấp dẫn, nên cần phải tập cho trẻ không được nuốt vào mà phải nhổ ra ngoài, để xa tầm với của bé.
Thông tin hữu ích: Cách xử lý khi răng trẻ mọc lẫy mẹ không nên bỏ qua
Lưu ý khi vệ sinh và chăm sóc răng cho trẻ 1 tuổi
Chính vì còn quá nhỏ nên phần nướu, lưỡi và răng của trẻ đều rất yếu, thậm chí trong nhiều trường hợp khi đã được 1 tuổi mà trẻ vẫn chưa có dấu hiệu mọc răng. Do đó, quá trình chăm sóc, vệ sinh răng miệng cho con cần được cha mẹ thật sự chú tâm, tránh gây tổn thương lên khoang miệng của trẻ. Cha mẹ cần lưu ý:
- Trong quá trình vệ sinh khoang miệng hoặc chải răng cho trẻ nên chú ý thực hiện các thao tác càng nhẹ nhàng, nhẹ tay càng tốt. Điều này giúp tránh gây ra những tổn thương lên vùng răng, nướu hay lưỡi của trẻ. Giúp bé không bị đau, khó chịu, gây ám ảnh tâm lý, sợ hãi mỗi khi phải vệ sinh răng miệng.
- Cha mẹ nên tập thói quen đánh răng ít nhất 2 lần/ngày cho trẻ vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể nhắc trẻ đánh răng hoặc vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn để răng được làm sạch và bảo vệ tối ưu hơn.
- Khi vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi, cha mẹ nên tạo không khí vui vẻ như múa hát, trò chuyện… Điều này sẽ giúp bé có cảm giác thích thú, hứng thú hơn, quên đi việc mình đang phải vệ sinh răng miệng và không sợ phải đánh răng.
- Nên hạn chế cho bé ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường, quá cứng, dai hoặc quá nóng, lạnh. Đồng thời cũng không nên cho bé ngậm ti giả hoặc ngậm bình sữa suốt đêm. Những thói quen không tốt này có thể gây ra tình trạng sâu răng hoặc viêm nướu cho trẻ.
- Nhiều cha mẹ có thói quen dùng lưỡi của mình để làm sạch phần sữa còn sót lại trên ti giả. Điều này hoàn toàn không tốt, bởi có thể truyền vi khuẩn từ miệng của mẹ sang ti giả, khiến bé dễ bị vi khuẩn tấn công hơn. Tốt nhất, trước và sau khi trẻ dùng ti giả, cha mẹ nên ngâm qua nước ấm để diệt khuẩn.
- Khi trẻ mới 1 tuổi, mẹ không nên vội vàng cho con uống quá nhiều các loại nước ép. Mặc dù đây là thức uống chứa nhiều vitamin, dưỡng chất, rất tốt cho sức khỏe nhưng lại không tốt cho sức khỏe răng miệng. Mặt khác, thể chất của trẻ 1 tuổi vẫn chưa hoàn toàn ổn định để thích nghi tốt với loại thực phẩm này.
- Khi trẻ được khoảng 1 tuổi trở đi, cha mẹ nên cho bé làm quen với việc sử dụng ống hút thay vì bú bình. Điều này sẽ bảo vệ răng của bé không phải tiếp xúc với quá nhiều với thức ăn, giúp răng chắc khỏe hơn và ngăn ngừa nhiều loại bệnh lý.
- Cha mẹ nên thường xuyên quan sát kỹ lưỡng và kiểm tra sức khỏe răng miệng của bé thường xuyên để sớm phát hiện các vấn đề trên răng. Ngoài ra, có thể mang bé tới các cơ sở nha khoa uy tín để thăm khám định kỳ và chuyên sâu hơn.
Trên đây là những cách vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi khoa học, hiệu quả và tránh làm tổn thương tới răng, nướu còn non nớt của trẻ. Dù răng chưa phát triển hoàn thiện nhưng cha mẹ vẫn cần quan tâm tới sức khỏe răng miệng, bởi nó sẽ giúp bé tránh được các bệnh lý, giúp cho quá trình mọc của răng vĩnh viễn sau này diễn ra thuận lợi hơn.
Dành riêng cho bạn: Top 10 cách trị sâu răng cho bé an toàn nhất tại nhà
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!